Tại vị trí xuất hiện vết rạn nứt tại Km83, là điểm nằm trong đoạn tuyến có đất yếu đã được chủ đầu tư dự án là Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tiên lượng trước và đã lắp dựng biển theo dõi đất yếu/lún tại Km82+500 - Km83+500.
Đoạn tuyến này thuộc gói thầu A4 do nhà thầu Keangnam trúng thầu. Theo VEC, trong quá trình thi công đã
tuân thủ các quy trình khảo sát và xử lý đất yếu. Cụ thể, công tác khoan thăm dò địa chất và thiết kế xử lý đất yếu được tiến hành tuân thủ theo Quy trình Khảo sát thiết kế nền đường ô tô đắp trên đất yếu.
Vị trí bị lún hình vòng cung trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai
“Khoan khảo sát 24 lỗ khoan với các lỗ khoan được bố trí cách nhau 50m trên tim tuyến (thông thường từ 50 đến 100m bố trí 1 lỗ khoan) và cứ 100m tiến hành một mặt cắt địa chất công trình theo chiều ngang vuông góc với tim tuyến với 3 lỗ khoan (thông thường từ 100 đến 150m bố trí 1 mặt cắt địa chất).
Phương án kỹ thuật sử dụng để xử lý đất yếu tại đoạn này là thay đất một phần. Hệ số an toàn tính toàn thay đổi từ 1,45 đến 1,73 tùy thuộc vào mặt cắt, lớn hơn hệ số an toàn (bằng 1,4) theo quy trình. Biện pháp xử lý trên đoạn tuyến này là thay đất một phần với chiều sâu từ 4,5 - 6,5m, quá trình thi công đã được tư vấn giám sát và chủ đầu tư giám sát chặt chẽ đúng quy trình” - đại diện VEC cho biết.
Vết nứt hình vòng cung, tại Km83 hướng Lào Cai - Hà Nội
Vệt nứt dài khoảng 65-70m, rộng nhất khoảng 2 - 3cm
Trong một diễn biến có liên quan, sau cơn bão số 3 và số 4, tại vị trí nêu trên xuất hiện vết nứt có hình dạng vòng cung điểm đầu tại Km82+995 và điểm cuối tại Km83+070 (trái tuyến chiều Lào Cai về Hà Nội). Sơ bộ đánh giá hiện trường cho thấy nền đường khu vực đắp cao (7-9m) trên khu vực đất yếu xung quanh là ruộng thường xuyên ngập nước và có thể có những túi bùn bất thường xen kẹp trong phạm vi này.
“Mặc dù trên đoạn tuyến này nguy cơ lún đã được tiên lượng nhưng qua 2 cơn bão (số 3 và số 4) với lượng mưa lớn, đất nền và xung quanh bão hòa tốc độ lún nhanh hơn dự kiến có thể là nguyên nhân sinh ra vết nứt. VEC đã tổ chức lực lượng đảm bảo giao thông thông suốt đồng thời đang tiến hành khoan khảo sát địa chất bổ sung tại vị trí xuất hiện vết nứt để xác định chính xác nguyên nhân và đưa ra giải pháp xử lý phù hợp” - đại diện VEC cho hay.
Hiện tượng lún mặt đường cao tốc xảy ra tại vị trí có nền đất yếu và đang theo dõi chờ bù lún
Hiện tượng lún mặt đường cao tốc xảy ra tại vị trí có nền đất yếu và đang theo dõi chờ bù lún
Trên thực tế, cao tốc Nội Bài - Lào Cai với tổng chiều dài 245km có hướng tuyến đi từ đông sang tây qua 5 tỉnh thành phố qua nhiều vùng địa chất thủy văn phức tạp, giao thoa nhau.
VEC khẳng định, trong suốt quá trình từ khi thiết kế đến thi công luôn đặt vấn đề kiểm tra khảo sát và thực hiện các giải pháp nhằm bền vững hóa công trình lên hàng đầu. Trên toàn tuyến, qua khảo sát xác định và xử lý nhiều đoạn nền đất yếu bằng các biện pháp xử lý khác nhau như cọc cát/giếng cát, bấc thấm, thay đất một phần hoặc toàn bộ… Trên cơ sở điều kiện từng khu vực có xét đến các yếu tố công tác giải phóng mặt bằng, điều kiện địa chất khu vực đất yếu và đặc biệt yếu tố đảm bảo hoàn thành thông tuyến đáp ứng nhu cầu vận tải thiết yếu khi các tuyến đường khác đi từ Hà Nội đến Lào Cai còn khó khăn phức tạp.
Hiện có ít nhất 10 vị trí cần tiếp tục theo dõi đất yếu/lún
Cuối tháng 8/2014, trên tuyến đã cơ bản hoàn thành đủ điều kiện thông xe, tuy nhiên còn 10 vị trí cần tiếp tục theo dõi đất yếu/lún trong quá trình khai thác để hoàn thiện khi các đoạn nền đất yếu này đã ổn định, tắt lún tập trung trên các gói thầu A2, A3 và A4. Cụ thể: Km33, Km44, Km46 (gói thầu A2), Km49, Km50, Km77, km79 (gói thầu A3); và Km82+500 - Km83+500, Km89 (gói thầu A4). Trước khi thông xe toàn tuyến, các vị trí này đều được lắp dựng biển thông báo đoạn đường theo dõi đất yếu/lún.